Đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022
Tại phiên họp Chuyên đề tháng 11 năm 2021, Sở Tài chính đã báo cáo UBND tỉnh về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022
Năm 2021, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát trở lại tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, tỉnh Nghệ An cũng đã ghi nhận ca lây nhiễm đầu tiên trong cộng đồng. Đặc biệt trong tháng 6 và tháng 7, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và lan rộng ra nhiều địa phương trong tỉnh. Bên cạnh đó, thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, hiện tượng mưa kèm theo lốc xoáy gây thiệt hại tại một số địa phương; tình hình dịch bệnh phát sinh gây hại, nhất là dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục,... đã ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn,...
Tuy nhiên, nhờ có sự chỉ đạo tập trung, điều hành tích cực của cấp uỷ, chính quyền các cấp, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp nên công tác quản lý, điều hành tài chính ngân sách trong năm 2021 hiệu quả, tích cực. Thu ngân sách năm 2021 vượt tiến độ dự toán HĐND tỉnh giao, chi ngân sách đảm bảo các nhiệm vụ chi theo dự toán HĐND tỉnh giao từ đầu năm, góp phần thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, cũng như kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn, tạo động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021-2025, thực hiện Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, là năm đầu của thời kỳ ổn định NSNN giai đoạn 2022-2025 nên có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả giai đoạn 2021-2025 và các mục tiêu chiến lược tài chính đến năm 2025.
Dự toán thu NSNN năm 2022 phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid-19, kết quả thực hiện thu NSNN năm 2021, căn cứ các Luật thuế, các cơ chế chính sách của trung ương về miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí,... và dự báo sát thực tình hình đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, sự phục hồi, sự tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2022. Đồng thời dự kiến và tính toán đầy đủ những sản phẩm mới năm 2022 tăng thêm.
Dự toán chi NSNN năm 2022 (chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên, chi trả nợ vay) xây dựng theo hướng tiếp tục thực hiện các giải pháp tiết kiệm, nâng cao hiệu quả, góp phần phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường chi cho con người và an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ mới của Trung ương và địa phương.
Theo đó, Dự toán thu NSNN trên địa bàn năm 2022: 14.997 tỷ đồng, tăng 964 tỷ 700 triệu đồng so với dự toán HĐND tỉnh giao năm 2021. Trong đó: Thu nội địa: 13.697 tỷ đồng, tăng 914 tỷ 700 triệu đồng so với dự toán HĐND tỉnh năm 2021. Thu nội địa loại trừ thu tiền sử dụng đất và thu xổ số kiến thiết: 10.171 tỷ đồng, tăng 412 tỷ 700 triệu đồng so với dự toán HĐND tỉnh giao năm 2021; Thu tiền sử dụng đất: 3.500 tỷ đồng, tăng 500 tỷ đồng so với dự toán HĐND tỉnh giao năm 2021. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: 1.300 tỷ đồng, tăng 50 tỷ đồng so với dự toán HĐND tỉnh giao năm 2021.
Phân cấp NSĐP hưởng: 12.256 tỷ 500 triệu đồng, tăng 1.075 tỷ 100 triệu đồng so với dự toán HĐND tỉnh giao năm 2021.
Dự toán chi NSĐP năm 2022 là 31.060 tỷ 308 triệu đồng (chưa bao gồm kinh phí các Chương trình MTQG do Trung ương chưa thông báo), tăng 5.340 tỷ 128 triệu đồng (tăng 20,8%) so với dự toán trình HĐND tỉnh điều chỉnh năm 2021.
Cụ thể phương án phân bổ dự toán chi như sau:
1. Dự toán chi đầu tư phát triển: 9.689 tỷ 053 triệu đồng, tăng 3.188 tỷ 473 triệu đồng (tăng 49%) so với dự toán năm 2021 điều chỉnh. 2.1.2. Vốn thiết bị ngoài nước (ghi thu, ghi chi dự án): 482 tỷ 140 triệu đồng, giảm 149 tỷ 210 triệu đồng, (giảm 23,6%) so với dự toán năm 2021 điều chỉnh.
2. Chi thường xuyên: 20.839 tỷ 291 triệu đồng, tăng 2.066 tỷ 209 triệu đồng (tăng 11%) so với dự toán năm 2021 điều chỉnh do trung ương bổ sung mục tiêu các chế độ, chính sách, tiền lương và tăng định mức chi thường xuyên NSĐP năm 2022 so với định mức chi thường xuyên NSĐP năm 2017.
3. Chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính: 2 tỷ 890 triệu đồng, bằng dự toán năm 2021 điều chỉnh.
4. Dự phòng ngân sách: 529 tỷ 074 triệu đồng, bằng số Trung ương giao, tăng 89 tỷ 063 triệu đồng (tăng 20,2%) so với dự toán năm 2021 điều chỉnh.
5. Chi trả nợ gốc: 163.627 triệu đồng.
Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2022 cần tập trung tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau: Tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác thu ngân sách ngay từ đầu năm 2022, đôn đốc hoàn thành chỉ tiêu thu lệ phí môn bài. Trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.Quản lý chặt chẽ chi NSNN ngay từ khâu lập dự toán đến tổ chức thực hiện. Thực hiện nghiêm các quy định về việc tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Triệt để tiết kiệm các khoản chi chưa thực sự cấp thiết, các khoản kinh phí tổ chức hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước, mua sắm trang thiết bị đắt tiền. Thực hiện nghiêm túc kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước, tăng cường kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN...