Nghệ An sẽ lựa chọn nhà đầu tư dự án điện khí hơn 2,1 tỷ USD trong quý I/2025
Dự án Nhiệt điện khí LNG Quỳnh Lập sẽ được thực hiện tại xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An với công suất 1.500MW.
Dự án
Nhiệt điện khí LNG Quỳnh Lập sẽ được thực hiện tại xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng
Mai, tỉnh Nghệ An với công suất 1.500MW. Ảnh tư liệu: PV
Thực hiện Thông báo số
10/TB-BCT ngày 10/01/2025 của Bộ Công Thương về kết luận của Bộ
trưởng Bộ Công Thương tại Hội nghị với các địa phương và chủ đầu tư các dự án
điện về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ,
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì,
phối hợp với Sở Công Thương, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các thủ
tục để hoàn thành việc chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư dự án
Nhà máy nhiệt điện LNG Quỳnh Lập trong quý I/2025 theo đúng quy trình, quy định
của pháp luật.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ
An đồng thời giao các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan theo chức năng
nhiệm vụ được giao chủ động tổ chức triển khai thực hiện, kịp thời phối hợp để
hoàn thành các dự án về nguồn điện, lưới điện đảm bảo tiến độ theo yêu cầu tại
Quy hoạch điện VIII được duyệt.
Trước đó, ngày 7/1, tại
trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Hội nghị trực tuyến
với các địa phương và chủ đầu tư các dự án điện về việc triển khai thực hiện
Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động
giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống
nhân dân trong thời gian cao điểm năm 2025 và giai đoạn 2026-2030.
Sau khi nghe báo cáo của
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự
hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương kết luận việc bảo đảm vững chắc an ninh năng
lượng quốc gia, cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân
dân là một trong những yếu tố quan trọng, nền tảng bảo đảm cho sự tăng tốc bứt
phá của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Để đáp ứng được nhu cầu
tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2025 đạt trên mức 8% và giai đoạn 2026 - 2030
phấn đấu tăng trưởng kinh tế ở mức 2 con số, đòi hỏi điện năng phải tăng trưởng
gấp 1,5 lần (tức là dự kiến bình quân hàng năm cần tăng từ 12% đến trên 16%,
tương ứng mỗi năm cần bổ sung từ 8.000 - 10.000 MW), cùng với đó là hệ thống
truyền tải, nhất là các dự án truyền tải phục vụ giải tỏa công suất liên miền
và nội miền cũng cần được quan tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện với sự vào cuộc
quyết liệt của các bộ, ngành Trung ương và các địa phương.
Để triển khai thực hiện
nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2025 của Thủ tướng Chính
phủ, chủ động triển khai các giải pháp từ sớm, từ xa, bảo đảm tuyệt đối không
để thiếu điện trong mọi tình huống, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị các đơn
vị, tổ chức, địa phương tập trung triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ
trọng tâm.
Trong đó, đối với các dự
án nguồn điện chưa có chủ đầu tư, bao gồm các dự án tại Thanh Hóa, Nghệ An,
Ninh Thuận, đề nghị các địa phương hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư trong quý
I/2025. Các địa phương cần cân nhắc việc bao gồm hạng mục kho cảng LNG trong
phạm vi của dự án nhà máy điện để tránh chậm trễ trong công tác phê duyệt/chấp
thuận dự án liên quan đến các thủ tục về quy hoạch cảng biển.
Dự án Nhiệt điện khí LNG
Quỳnh Lập sẽ được thực hiện tại xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An
với công suất 1.500MW. Đây là một trong các dự án nguồn điện quan trọng, ưu
tiên thuộc danh mục kèm theo Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ
tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời
kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) và Quyết định số
262/QĐ-TTg ngày 1/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Kế hoạch
thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Dự án được thực hiện với
tổng mức đầu tư khoảng 2,15 tỷ USD, bao gồm các hạng mục: Nhà máy điện khí LNG,
kho chứa khí, cảng tiếp nhận, đê chắn sóng và các công trình phụ trợ trên tổng
diện tích khoảng 210 -360 ha, nhu cầu nhiên liệu khí LNG khoảng 1,15 triệu
tấn/năm và cảng tiếp nhận tàu có trọng tải khoảng 100.000 DWT. Dự án dự kiến
đưa vào vận hành thương mại giai đoạn trước năm 2030.
(Nguồn: baonghean.vn)