image banner
MUA SẮM TÀI SẢN NHÀ NƯỚC THEO PHƯƠNG THỨC TẬP TRUNG LÀ GIẢI PHÁP ĐỂ TIẾT KIỆM NGÂN SÁCH VÀ QUẢN LÝ TỐT TÀI SẢN CÔNG
Lượt xem: 3

1. Thực trạng công tác mua sắm trong thời gian qua tại Việt Nam

          Ở Việt Nam, trước 2008 công tác mua sắm tài sản chỉ thực hiện một hình thức mua sắm duy nhất đó là mua sắm phân tán; từ năm 2008 bắt đầu hình thành 2 phương thức mua sắm là phương thức mua sắm phân tán (được áp dụng ở tất cả các bộ, ngành, địa phương) và phương thức mua sắm tập trung (chỉ áp dụng thí điểm đối với một số loại tài sản và một số bộ, ngành, địa phương tự nguyện đăng ký thí điểm).  Đến năm 2013 Mua sắm tập trung đã được quy định tại Luật Đấu thầu số 43/2013/QH-13 và là cách tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu thông qua đơn vị mua sắm tập trung nhằm giảm chi phí, thời gian, đầu mối tổ chức đấu thầu, tăng cường tính chuyên nghiệp trong đấu thầu, góp phần tăng hiệu quả kinh tế; còn phương thức mua sắm phân tán là phương thức truyền thống đang được áp dụng phổ biến hiện nay ở Việt Nam. Theo phương thức này, các cơ quan dự toán trực tiếp tổ chức thực hiện mua sắm tài sản để phục vụ công tác cho đơn vị mình. Tuy nhiên trong thời gian này việc mua sắm tập trung vẩn chưa được áp dụng rộng rãi.

          2. Những thay đổi chủ trương về mua sắm và quản lý tài sản công

Từ những thực trạng đó ngày 26/02/2016 Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg  quy định việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung;

 Ngày 26/02/2016 Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 35/2016/TT-TBTC  hướng dẫn việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung;

 Ngày 30/6/2016 UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 3164/QĐ-UBND  về việc công bố danh mục tài sản mua sắm tập trung trên địa bàn tỉnh Nghệ An;

          Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh ngày 28/9/2016 của Sở Tài chính Nghệ An  ban hành Hướng dẫn số 2717/HD - STC hướng dẫn thực hiện mua sắm tài sản tài sản nhà nước theo phương thức trung trên địa bàn tỉnh Nghệ An;  Ngày 26/12/2017 Chính phủ ban hành Nghị định số 151/2017/NĐ-CP  quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Thông tư số 144/2017/TT-BTC ngày 29/12/2017 hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP quy định việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung; Ngày 03/01/2018 của UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 12/QĐ-UBND Về việc công bố danh mục tài sản mua sắm tập trung trên địa bàn tỉnh Nghệ An thay thế Quyết định số 3164/QĐ-UBND ngày 30/6/2016;  Ngày 14/3/2022 UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 640/QĐ-UBND  về việc ban hành danh mục tài sản mua sắm tập trung, phân công đơn vị mua sắm tập trung trên địa bàn tỉnh Nghệ An thay thế Quyết định số 12/QĐ-UBND; Ngày 15/6/2023 UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 14/2023/QĐ-UBND  về việc ban hành danh mục tài sản mua sắm tập trung, phân công đơn vị mua sắm tập trung trên địa bàn tỉnh Nghệ An thay thế Quyết định số 640/QĐ-UBND; Ngày 28/02/2025 Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 50/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

          Ngày 14/4/2024 để phù hợp với quy định mới của Luật Đấu thầu 2023 và nghị định mới về quản lý, sử dụng tài sản công, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 1008/QĐ-UBND  về việc ban hành danh mục tài sản mua sắm tập trung, phân công đơn vị mua sắm tập trung trên địa bàn tỉnh Nghệ An thay thế Quyết định số 14/2023/QĐ-UBND;

Sự điều chỉnh và triển khai đồng bộ các quy định mới về công tác mua sắm tài sản theo phương thức tập trung đã cho thấy sự quan tâm của Đảng, nhà nước và địa phương về công tác mua sắm và quản lý tài sản nhà nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng.

          3. Kết quả công tác mua sắm tài sản tập trung trong thời gian qua

Trong nhiệm kỳ qua, Trung tâm Hỗ trợ, Tư vấn Tài chính – Sở Tài chính thực hiện mua sắm tập trung đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản nhà nước. Cụ thể:  

Từ năm 2020 đến tháng 5 năm 2025 Trung tâm đã tổ chức mua sắm tài sản tập trung cho 1.024 cơ quan, đơn vị với tổng giá trị 300, 739 tỷ đồng, tiết kiệm ngân sách trong mua sắm 28,37 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 9,32 tỷ đồng.

Từ năm 2021-5/2025 Trung tâm đã tham mưu Sở Tài chính tổ chức mua sắm tập trung xi măng phục vụ chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới cho các địa phương (21 huyện, thành, thị)  trong tỉnh là 549.200 tấn với giá trị  848,460 tỷ đồng, tiết kiệm ngân sách trong mua sắm là 106, 913 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 12,6%.

Việc triển khai mua sắm tập trung được thực hiện đúng quy định pháp luật, công khai, minh bạch, đảm bảo tiết kiệm chi ngân sách. Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện mua sắm tập trung được xây dựng và phê duyệt phù hợp với yêu cầu thực tế và năng lực cung ứng trên địa bàn, thời gian thực hiện hợp đồng và phân phối hàng hóa đến đơn vị sử dụng được rút ngắn trên 40% so với nhiệm kỳ trước, tỷ lệ tiết kiệm ngân sách cao góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công.

Từ những kết quả trên ta khẳng định: mua sắm tập trung không chỉ giúp nhà nước tiết kiệm ngân sách, việc áp dụng chính sách mua sắm tập trung còn là giải pháp tối ưu giúp các cơ quan, đơn vị giải quyết khó khăn trong quản lý mua sắm; tổ chức mua sắm tập trung chính là " mũi tên trúng nhiều đích":

* Kiểm soát tốt quá trình quản lý mua sắm bằng cách tập trung và đồng nhất danh sách những sản phẩm cần mua sao cho hợp lý và tối ưu chi phí;

* Đảm bảo công khai, minh bạch và ngăn chặn tối đa trục lợi cá nhân;

* Đấu thầu mua sắm số lượng lớn sẽ lựa chọn được đơn vị cung cấp chất lượng và chi phí tiết kiệm nhất;

* Giải quyết được bài toán thất thoát chi phí thông qua việc số hóa quá trình quản lý mua sắm tập trung;

* Đồng bộ các sản phẩm phục vụ hoạt động của các cơ quan, đơn vị, giúp nhà quản lý đưa ra được đánh giá khách quan nhất về chất lượng sản phẩm cũng như hiệu suất làm việc;

* Làm tăng tính cạnh tranh giữa các gói thầu, từ đó gián tiếp thúc đẩy chất lượng sản phẩm các nhà thầu cung cấp được nâng lên.

4. Những hạn chế và bất cập trong mua sắm và quản lý tài sản hiện nay

Tuy công tác mua sắm tập trung hiệu quả nhưng hiện nay vẩn còn một số bất cập đó là:

- Nhận thức của một số cơ quan, đơn vị về mua sắm tập trung chưa đầy đủ, trách nhiệm chưa cao, còn mang nặng cách thức mua sắm truyền thống đó là mua sắm phân tán;

- Quy định về tiêu chuẩn, định mức tài sản công cho các chức danh lãnh đạo và cán bộ, công chức đã lạc hậu nên việc bố trí tài sản sai tiêu chuẩn chế độ vẫn còn xảy ra;

- Việc mua sắm trang thiết bị phần lớn chưa mang tính đồng bộ làm ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo dưỡng, sữa chữa;

- Chưa hoàn thiện cơ sở dữ liệu về tài sản công, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tài sản công chưa được quan tâm đầu tư. Việc thực hiện mua sắm tài sản theo phương thức tập trung để bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm trong đầu tư, mua sắm tài sản còn chưa được quán triệt rõ ràng cụ thể đối với từng loại tài sản; 

- Công tác quản lý tài sản sau mua sắm ở một số cơ quan, đơn vị chưa chặt chẽ, còn để xẩy ra tình trạng lãng phí, sổ sách theo dõi thiếu đồng bộ;

- Công tác tổng hợp và báo cáo của một số cơ quan, đơn vị còn thiếu chính xác;

5. Giải pháp để mua sắm và quản lý tài sản hiệu quả

Từ những kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế chúng ta cần có các giải pháp để thực hiện tốt công tác mua sắm tập trung gắn với quản lý tài sản công đó là:

- Cần xây dựng một hệ thống văn bản đồng bộ từ tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị đến quy trình mua sắm gắn với công tác theo dõi và quản lý tài sản trong đó mỗi cấp, mỗi đối tượng như nhau phải sử dụng đồng bộ một loại tài sản như nhau nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, bảo dưỡng, sữa chữa tài sản, tạo tính đồng bộ và tránh sự khác biệt nhau về giá trên các sản phẩm có cùng chủng loại;

- Quy định cụ thể nhóm tài sản nào phải áp dụng mua sắm tập trung được áp dụng trên phạm vi toàn quốc;

- Xây dựng chung một phần mềm quản lý tài sản Nhà nước áp dụng đồng bộ trên phạm vi toàn quốc để thuận lợi cho công tác tổng hợp, quản lý tài sản;

- Cũng cố và hoàn thiện công tác mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung đáp ứng kịp thời nhu cầu của các cơ quan, đơn vị;

- Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính phù hợp với yêu cầu hiện tại để giảm bớt thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện đến mức tối đa;

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những tập thể và cá nhân vi phạm.

Từ những kết quả thực hiện và các giải pháp nêu trên chúng ta tin tưởng công tác mua sắm và sử dụng tài sản công trong thời gian tới sẽ có nhiều khởi sắc nhằm hướng tới thực hiện thành công các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về công tác quản lý, sử dụng tài sản công trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ Viên chức Trung tâm đủ năng lực, sẵn sàng tiếp nhận và hoàn thành nhiều việc làm hơn nữa nếu được lãnh đạo sở và UBND tỉnh giao nhiệm vụ.

CHI BỘ TRUNG TÂM HỖ TRỢ TƯ VẤN TÀI CHÍNH

Tin khác
 
12345...>>
Thông báo
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Tất cả: 1

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TÀI CHÍNH TỈNH NGHỆ AN
Chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Tài chính tỉnh Nghệ An
Trụ sở: Số 368 Đường Lê Nin, Phường Hưng phúc, Thành Phố Vinh, Tỉnh Nghệ An
Điện thoại: (02383).849.037 - Fax: 0383.830.654- email: tc@nghean.gov.vn; congkhainsnn@gmail.com